Sáng 20-3, Tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đã thực hiện thành công ca ghép thận với sự trợ giúp của hệ thống Telemedicine.
Bệnh nhân nhận thận là anh Nguyễn Văn Quân, 32 tuổi, ở Phụng Châu, (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Bệnh nhân Quân được phát hiện viêm cầu thận mạn từ năm 15 tuổi, điều trị tại bệnh viện ở huyện Chương Mỹ. Tháng 8/2013, bệnh nhân phù, đau đầu, buồn nôn, khi vào bệnh viện đa khoa Hà Đông được chẩn đoán là tăng huyết áp, suy thận mạn giai đoạn IIIb. Bệnh nhân nhập viện để tuyển chọn vào 25/2/2014. Người cho thận là anh Nguyễn Văn Thuận (em trai ruột của bệnh nhân, sinh năm 1985), hoàn toàn khỏe mạnh.
Do tính chất quan trọng và phức tạp của ca ghép thận, bệnh viện Xanh pôn đã ứng dụng hệ thống Telemedicine để thiết lập cầu truyền hình trực tiếp nối các điểm cầu gồm phòng cho thận, phòng nhận thận và phòng hội chẩn để các chuyên gia đầu ngành có thể tham gia chỉ đạo trực tiếp ca mổ từ xa. Các hình ảnh trường mổ, các thông tin sống bệnh nhân được truyền trực tiếp với chất lượng cao giữa các đầu cầu giúp cho các bác sỹ phối hợp nhịp nhàng thống nhất.
Từ Phòng hội chẩn, Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An (Giám đốc Bệnh viện 103) thông qua hệ thống Telemedicine đã trực tiếp chỉ dẫn, hỗ trợ các bác sỹ, kỹ thuật viên trong kíp phẫu thuật tại hai phòng cho thận và nhận thận của Bệnh Viện Xanh Pôn. Ca phẫu thuật diễn ra trong thời gian 3 tiếng đảm bảo mọi quy trình kỹ thuật làm nghiêm túc, nhịp nhàng đã thành công tốt đẹp.
Trao đổi sau ca phẫu thuật, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Nguyễn Phạm Ý Nhi cho biết, so với ca ghép thận đầu tiên, ca ghép này không thuận lợi bằng. Nếu ca thứ nhất, bệnh nhân suy thận mạn độ IV, do viêm cầu thận mạn, các chỉ số xét nghiệm sau khi lọc thận vẫn giữ ở mức bình thường, trong khi đó ở ca ghép này, bệnh nhân đã chạy thận dài, bệnh nhân thiếu máu, suy thận, suy tim, cao huyết áp “So với ca ghép thận đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện (tháng 12/2013), ca thứ hai này phức tạp và khó hơn nhiều. Tuy nhiên, sau hơn 3 tiếng, ca phẫu thuật đã thành công” - Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định.
Lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn và các bác sĩ tham dự đã đánh giá cao về chất lượng hình ảnh, âm thanh của hệ thống Telemedicine; Và tin tưởng hệ thống hoàn toàn có thể ứng dụng trong những kỹ thuật phẫu thuật phức tạp cần sự hỗ trợ, tư vấn, chỉ đạo từ xa trong tương lai. Đây cũng là một minh chứng cho thấy các hệ thống telemedicine nếu được triển khai rộng rãi, kết nối được nhiều bệnh viện các tuyến sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hỗ trợ hiệu quả công tác đào tạo đội ngũ, góp phần đáng kể giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên.
Được biết, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn được UBND TP Hà Nội giao là cơ sở đầu tiên của Hà Nội triển khai ghép thận. Với việc thực hiện thành công ca ghép thận thứ 2 đánh dấu bước phát triển của Bệnh viện ở một tầm cao mới. Tới đây, Sở Y tế Hà Nội sẽ chỉ đạo việc thực hiện các bước tiếp theo trong Đề án “Phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành y tế TP Hà Nội đến năm 2015” đó là ghép gan tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Hải Yến tổng hợp từ các nguồn báo chí.