Telemedicine là một từ ghép với từ “tele” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “từ xa” và “medicine” (trong tiếng Latin là “mederi”) nghĩa là “điều trị”. Năm 1970, lần đầu tiên khái niệm Telemedicine được dùng nhằm mô tả việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đây có thể bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, dự phòng và phục hồi, bảo hiểm y tế, giảng dạy, nghiên cứu...
Để chẩn đoán cho một bệnh nhân, bác sĩ cần thông tin về bệnh sử, các xét nghiệm như: xét nghiệm huyết học, sinh hoá, vi sinh, tế bào..., thông tin về chẩn đoán chức năng (điện tim ECG, điện não EEG, hô hấp...), thông tin về hình ảnh (X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp - CT scanner, cộng hưởng từ - MRI...). Hãy tưởng tượng, một bác sĩ đang ngồi trong phòng làm việc của mình khám cho một bệnh nhân từ xa –chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể nhận đầy đủ các thông tin về bệnh nhân- đó chính là những khả năng mà Y học Từ Xa(Telemedicine) mang lại.
Việc kết nối mạng các trung tâm y tế, bệnh viện giúp tăng cường khả năng khai thác tài nguyên chung trong lĩnh vực y tế: thiết bị, chuyên gia, dữ liệu... .Từ đó hình thành khả năng chẩn đoán hình ảnh từ xa (Teleradiology), tư vấn từ xa (Teleconsulting), hội chẩn từ xa (Telediagnostics, video-conferencing)... Những dịch vụ mở rộng trên nền tảng đó cho phép khi có nhu cầu -về nguyên tắc- bệnh nhân có thể được chăm sóc bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào - đó chính là tính ưu việt của Y học từ xa .
Các hệ thống thông tin y tế
Thông thường, các hệ thống thông tin y tế được phân thành một số loại như sau:
HIS-Hệ quản lý thông tin bệnh viện (HIS - Hospital Information System) dùng quản lý nhân sự, tài chính, quản lý bệnh nhân (như các thông tin về bệnh nhân nội, ngoại trú)... nói chung là quản lý mảng thông tin tổng quát trong đơn vị y tế. Mạng HIS là một công cụ để tối ưu hóa hệ thống, giảm chi phí đồng thời hỗ trợ việc kiểm soát địa bàn, hỗ trợ công tác dự báo, dự phòng có hiệu quả.
EHR/EMR- Hệ thống Bệnh án điện tử (Bản ghi sức khỏe điện tử)- (EHR - Electronic Health Record) tích hợp đầy đủ thông tin: kết quả xét nghiệm, Xquang, cộng hưởng từ, các phiếu chẩn đoán chức năng, nội soi, kết quả chẩn đoán chung và liệu trình điều trị... sẽ được quản lý bằng cơ sở dữ liệu, có khả năng tra cứu nhanh và chia sẻ tài nguyên nhằm phục vụ cho công tác điều trị và hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng, dịch tễ, tác dụng của thuốc...(Theo NAHIT -Liên minh Quốc gia về Công nghệ thông tin Y tế - EHR tổng quát hơn EMR).
PACS-Hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS - Picture Archiving and Communication System) lưu trữ, xử lý, khai thác cơ sở dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, truyền hình ảnh động và các dữ liệu khác từ những thiết bị chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, Xquang, CT scanner, cộng hưởng từ hạt nhân... Các lĩnh vực ứng dụng nhiều nhất của PACS là Xquang từ xa (Teleradiology), bệnh lý học (Telepathology), chẩn đoán hình ảnh (Telemedical Imaging) và khám chữa bệnh từ xa, chăm sóc sức khỏe tại nhà (Tele-home Health Care).
Các mạng HIS và PACS của các cơ sở y tế, khi được nối liên mạng dựa trên công nghệ đường truyền tốc độ cao, sẽ tạo ra liên kết theo vùng địa lý hoặc chuyên ngành, xóa bỏ được hạn chế về mặt không gian, đặc biệt ở những khu vực địa lý phức tạp, thiếu chuyên ngành. Ưu việt của telemedicine là chuyển tải thông tin nhanh, vì thế hỗ trợ điều trị bằng phương pháp mới nhất tại tuyến y tế cơ sở.
Bệnh nhân có thể sử dụng telemedicine để được tư vấn của các chuyên gia đầu ngành và có thể giữ liên hệ thường xuyên với trung tâm y tế, bệnh viện thông qua thiết bị công nghệ thông tin (điện thoại cầm tay, Ipad, máy tính cá nhân…).
Các chuẩn dùng trong Y tế và Telemedicine
Để có thể can thiệp từ xa, chẩn đoán, ra quyết định về một ca bệnh phải có đầy đủ thông tin về ca bệnh. Những thông tin này phải tin cậy, đầy đủ và kịp thời. Muốn đạt được những yếu tố đó, telemedicine đòi hỏi phải được chuẩn hóa.
Chuẩn EDI (Chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử EDI - Electronic Data Interchange) được Hoa Kỳ dùng trong Y tế. Ủy ban châu Âu về tiêu chuẩn hóa (Comitee European de Nomlalisation) CEN đã công bố trên các văn bản chính thống quy định về tiêu chuẩn mạng máy tính trong ứng dụng y học tương thích với chuẩn EDI của Hoa Kỳ.
Chuẩn DICOM (Chuẩn về ảnh số và giao tiếp trong y tế DICOM-Digital Imaging and Communication in Medicine) Một chuẩn khá phổ biến dùng để lưu trữ hình ảnh và truyền tải số trong y học dùng cho chẩn đoán hình ảnh. Chuẩn này được dùng trong mạng PACS, hệ thống lưu trữ.
Chuẩn HL7 (HL7- Health Level 7) dùng trong tin học y tế để quản lý các dữ liệu không phải là hình ảnh- thường dùng để xác lập cơ sở dữ liệu bệnh nhân, kết quả thăm khám lâm sàng, nhập - chuyển - ra viện, kết quả xét nghiệm, dùng thuốc... (HL 7 có khoảng 500 tổ chức thành viên và chiếm tới 65% lượng thông tin trong bệnh viện). HL7 tạo ra “khả năng tương thích giữa các hệ thống quản lý bệnh nhân điện tử, hệ thống quản lý phòng khám, hệ thống thông tin của phòng xét nghiệm, nhà ăn, nhà thuốc, phòng kế toán cũng như hệ thống bản ghi sức khỏe điện tử (HER – electronic health record) và hệ thống bản ghi y tế điện tử (EMR – electronic medical record).
Chuẩn IHE (Intergrating Healthcare Enterprise IHE - Tích hợp các hệ thống y tế) Các hệ thống thông tin trong bệnh viện rất phức tạp. Trong thực tế công việc, nhiều khi chúng ta cần nhiều hơn những gì DICOM và HL7 có thể cung cấp, do vậy khi áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn DICOM và HL7, có thể sẽ xảy ra sự không đồng nhất thậm chí là xung đột. IHE là một giải pháp được đưa ra để lấp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế tại các bệnh viện.
Telemedicine - Nét mới của công tác chăm sóc y tế thế kỷ 21
Hiện nay, nền y tế nhiều quốc gia đã đưa vào triển khai chương trình “y tế từ xa” (Telemedicine) bao gồm các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa với sự hỗ trợ của các công nghệ truyền thông tối tân. Nga đang là một trong những nước đi đầu trong việc triển khai rộng khắp và toàn diện nhất chương trình này. Ngay từ năm 1991, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng Nga đã áp dụng phổ biến việc “hội chẩn từ xa” (Teleconsultation) thông qua điện đàm. Điều này cho phép bất cứ một bác sĩ tuyến cơ sở, dù ở khu vực xa xôi hẻo lánh đến mấy, cũng có thể liên lạc tức thời với các chuyên gia y tế đầu ngành không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà còn có thể tham vấn các chuyên gia nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới. Ở Nga, cuối thời Xô-viết, người ta đã lắp đặt một khối lượng lớn sợi quang trong hệ thống cáp quang thông tin liên lạc mà chưa được sử dụng hết công suất. Hệ thống thông tin liên lạc qua vệ tinh cũng còn dư thừa vô số đường truyền. Và chúng đã được tận dụng cho chương trình “Y tế từ xa”.
Sự tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông ngày nay cho phép truyền tức khắc những thông tin không chỉ ở dạng lời nói, văn bản hoặc hình ảnh “chết” mà còn cả các những hình ảnh động như hình ảnh X quang động, hình ảnh siêu âm, điện tâm đồ, não đồ, hình ảnh nội soi… Chức năng hội nghị của công nghệ truyền thông cũng cho phép các bác sĩ cùng các giáo sư, chuyên gia… tiến hành hội chẩn đa phương với số người tham gia không hạn chế. Hiện, y tế từ xa đã được áp dụng ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Đức... và bắt đầu có mặt ở các nước đang phát triển. Một số nước, lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã triển khai TeleMedicine như Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan... Và sắp tới đây, tại Việt Nam, hình ảnh một bác sĩ tại Houston (Mỹ) ngồi trước màn hình vi tính, chẩn đoán rồi đưa ra phương pháp điều trị cho một bệnh nhân Việt Nam; một chuyên gia y tế đầu ngành ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chẩn đoán và hướng dẫn điều trị cho một bệnh nhân ở vùng sâu Cao Bằng hay Cà Mau... cũng sẽ trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Thế Lai
Tài liệu tham khảo: